top of page

Những bài viết về Anh

- bài viết được trích trong "TƯỞNG NHỚ Anh Giuse Đoàn Thanh Lâm (1961-2019)" 

Hồi ức về Thanh Lâm 

Nói đến tên Thanh Lâm, có lẽ phần lớn chúng ta liên tưởng đến CD Saxophone tuyệt vời 1, 2 và 3 do trung tâm Asia sản xuất; hoặc liên tưởng tới cách Thanh Lâm hòa âm phối khí như bài Xuất Hành, Hallelujah Chorus; hoặc liên tưởng Thanh Lâm là ca trưởng, nhạc trưởng, sáng tác những bài như Giáng Sinh Trong Mái Nghèo, Nơi Đâu, nhất là tuyển tập Thánh Vịnh Đáp Ca dùng trong ba năm phụng vụ, và sáng tác những bài nhạc đời (từ lễ cưới tới lễ tang) mà tôi không tài nào nhớ nổi. Thật vậy, Thanh Lâm nổi tiếng trên các lãnh vực đó. Phải chăng người nhạc sĩ hoặc ca trưởng chỉ cần thành công trong một những lãnh vực này thôi thì cũng đủ nổi tiếng?

Anh nổi tiếng, anh tỏa sáng rồi thì sao chứ? Anh Thanh Lâm, đối với tôi lại khác. Con người của anh đáng cho tôi kính nể và yêu quý; có thể nói, tôi chưa từng biết một cá nhân nào giống như Thanh Lâm. Vậy thì Thanh Lâm thực sự là người như thế nào? Thanh Lâm có những nét đặc trưng nào khác với những người khác? Tại sao anh được mọi người ngưỡng mộ và yêu mến đến thế? Tôi xin nêu lên vài điểm theo những cảm nhận từng trải của tôi:


1. Tính khiêm tốn:
Thanh Lâm có nét “uy nghi” bên ngoài, phải nói là nhìn rất “celebrities,” như một “super star,” một danh từ rất kiêu của làng nghệ sỹ. Nhưng khoảng năm 1990, anh đã từ bỏ ánh hào quang, lui về ở ẩn để chú tâm “Ca Ngợi Tôn Vinh Chúa” và “Ca Tụng Mẹ.” Có lần tôi hỏi tại sao, Anh khiêm tốn trả lời: “Cha Mẹ sinh ra anh, họ đã đi con đường mà Chúa đã đi qua, thế nên anh nghĩ, với những khả năng Chúa đã ban thì tốt hơn hết, anh phụng sự Chúa để đền đáp và còn tạo ra những điều lợi ích cho linh hồn; nếu ở chốn phồn vinh hào nhoáng thì chắc linh hồn anh sẽ khô khan lắm.”

2. Tính bình dân:
Tôi không ngờ một người oai phong và đầy vinh dự, nhiều lần được trao phó điều khiển một dàn nhạc long trọng với trên 100 nhạc công ở Đại Hội Thánh Mẫu Missouri, mà lại rất bình dân. Anh thản nhiên than đói, xin đồ ăn, rồi gặm chung những ổ bánh mì với chúng tôi, tự đi kiếm nước uống, chia ngọt sẻ bùi mỗi lần tập hát cho ca đoàn. Những lần đi Missouri và New Orleans, Thanh Lâm chỉ cần một chỗ ngả lưng là đủ, ngủ trên sofa hoặc trải mền trong góc nằm chung với gia đình, nhường phòng và giường cho người khác.

3. Đức vâng lời:
Anh vâng lời tuyệt đối khi đã nhận trách nhiệm lo các Thánh Lễ. Vâng lời các Cha đến nỗi không dám đề nghị thay đổi chương trình dù sức khỏe đang dần yếu kém đi. Ngày 5-9-2019, anh bị vật vã vì chemo nhưng vẫn text cho tôi để hỏi han ca đoàn Seraphim như thế nào, ai lo? Chương trình chuẩn bị Thánh Ca Giáng Sinh Emmanuel ở Nhà Thờ Kiếng đang ra sao? Tôi đến thăm anh trong bệnh viện, thế mà anh cứ đuổi tôi về, “về đi, để lo cho ca đoàn!”

 

4. Tính chân thành:
Tôi thường nghe một số người nói rằng “Thanh Lâm nhìn rất ‘cold’ - lạnh lùng đến nỗi rất khó gần, hơi kiêu căng, chắc tại anh ta giỏi.” Hãy thử mở long mình và cho mình cơ hội đến với Thanh Lâm. Bạn sẽ tìm thấy sự chân thành nếu chính bạn thật sự chân thành. Thanh Lâm không bao giờ bỏ bạn trừ khi bạn rời xa Thanh Lâm.

 

5. Lòng chung thủy:
người đời thường nói tính chung thủy chỉ dành cho tình yêu đôi lứa, tuy nhiên, tôi nhận thấy anh Thanh Lâm chung thủy với Thiên Chúa và với Ngàn Thông, dù hoàn cảnh và lòng người có thay đổi. Trong 41 năm qua, anh đã từ chối mọi lời mời đến phục vụ có lãnh lương tại Nhà Thờ khác ở các cộng đoàn khác (điển hình là cộng đoàn Đức Mẹ La Vang) để ở lại với Ngàn Thông, tập hát và đi Lễ với Ngàn Thông. Hầu hết thời giờ của anh đều dành cho Nhà Thờ và ca đoàn, vì anh sống chung thủy. Dĩ nhiên, anh cũng rất chung thủy với vợ con, yêu thương vợ con tới mức không biết

dùng ngôn từ gì để diễn tả; vợ anh đã thốt lên: “Anh đã sống trọn cuộc đời của anh cho em và con.”

6. Khiếu hài hước:
Chúng ta thường nói những người hài hước là những người thông mình. Thật vậy, Thanh Lâm rất hài hước, luôn thốt ra những câu nói bất ngờ nhưng không kém phần cảm thông với người khác. Anh luôn chọc chị em chúng tôi không biết note nhạc, nhưng anh vẫn in bài có nhạc để chúng tôi hát cho đúng. Chúng tôi cười rộ… Vài lần, anh hỏi chúng tôi có biết tiếng đàn nào đang vang lên không, trong khi đó là tiếng kèn Saxo do chính anh thổi; anh chọc ghẹo chúng tôi, bảo chúng tôi nghe thanh âm của loại nhạc khí nào cũng ra tiếng đàn cả; chúng tôi lại cười..

Tôi không thể quên ngày thứ Sáu 20-9-2019, ngày cuối cùng anh Lâm còn tỉnh táo để tiếp xúc với chúng tôi, trước khi bị coma rồi đi vào cõi đời đời. Hôm ấy, dù tỉnh táo, anh cũng mệt lắm, chỉ nằm yên trên giường, máy thở úp trên mặt để truyền oxy vào phổi đến mức gần như tối đa. Tôi và một số ca viên đến thăm anh, đem theo những bài Thánh Vịnh Đáp Ca để hát cho anh nghe. Toàn là bài đã hát qua rồi, thế mà cũng có người chẳng hát được (không biết vì xúc động hay là vì quên cung điệu hát). Hát sai nên chúng tôi ngừng lại, nhìn nhau, rồi nhìn sang anh… Thật bất ngờ, tôi thấy anh nhướng mắt lên, tỏ ý… kêu trời vì ca viên hát sai nốt,

sai nhịp. Chúng tôi xin hát lại lần nữa, và khi hát xong lần này, anh gật gật đầu, ngón tay cái đưa lên, tỏ ý “okay, hát đúng rồi.” Chúng tôi và cả anh Lâm đều biết thời gian của anh không còn bao lâu nữa, vì bác sĩ đã bảo với tất cả rằng “he will last less than 3 days,” thế nhưng, trong những ngày cuối đó, anh vẫn hài hước, chọc ghẹo chúng tôi.

7. Kiên nhẫn:
Anh nhẫn nại, khoan dung trong những lần làm việc chung với Ban Chấp Hành của ca đoàn, hoặc trong lúc anh tập hát cho ca đoàn. Đối với anh, hát dài, bổng, tròn, chắc, hoặc phát âm chính xác là điều dễ dàng và bình thường, nhưng đối với chúng tôi thì rất khó. Anh kiên nhẫn chờ đợi để chúng tôi có thể hát đúng theo anh. Anh kiên nhẫn làm việc khó nhọc hơn để đạt được điều anh mong đợi. Tính kiên nhẫn của anh đã cảm hóa được nhiều ca viên. Anh Thanh Lâm ra đi, để lại cho đời nhiều thương tiếc một nhân tài Saxophone, và cũng để lại những bài nhạc, những hòa âm phối khí tuyệt vời. Đối với tôi, anh là người thày, người anh, người bạn, và người thân tình vì anh và tôi đã gắn bó làm việc bên nhau trong nhiều năm. Tôi trân quý thời gian được ở bên anh, tuy quá ngắn nhưng cũng đủ dài để tôi cảm nhận và học hỏi được nhân đức của anh như bài Thánh Vịnh anh sáng tác, “miệng con sẽ ca ngợi, lòng con rất chính trực” Anh ra đi, nhưng anh không chết, mà anh chỉ biến đổi. Tôi tin chắc anh vẫn dõi theo người vợ dấu yêu của anh, dõi theo người con gái cưng duy nhất và dõi theo các bạn bè thân hữu. "Có một lần mất mát, mới thương người cô độc." (Vũ Thành An). Tôi muốn nói với vợ anh: Hoàng ơi, Hoàng ráng sống, ráng vượt qua, cố lên nhé!

Người đời tiếc một nhân tài đã mất, nhưng đối với tôi, anh Thanh Lâm đã sống trọn một đời mà khó ai có thể sống – sống như con đường anh chọn, cống hiến cả cuộc đời vì Chúa, vì tha nhân. Tôi rất muốn sống nhân đức như anh để phần đời còn lại của tôi cũng là vì Chúa, vì tha nhân. Hẹn gặp lại anh Thanh Lâm trong một ngày gần.

- M.H -

bottom of page