top of page

Nghệ sĩ chia sẽ trên Facebook

- bài viết được trích trong "TƯỞNG NHỚ Anh Giuse Đoàn Thanh Lâm (1961-2019)" 

Chia sẽ của nghệ sĩ Trần Quốc Bảo

VĨNH BIỆT TIẾNG KÈN SAXO THANH LÂM

Nhạc sĩ Thanh Lâm, tay kèn Saxo nổi tiếng ở hải ngoại trong thập niên 80-90 đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 8g45 tối thứ Hai 23 tháng 9 năm 2019 tại bệnh viện UCI sau một thời gian chống trả với cơn bệnh ung thư phổi. Anh hưởng dương 58 tuổi.

 

Từ cuối thập niên 80, tiếng kèn Thanh Lâm đã làm say mê nhiều người trên những CD, Video của hãng băng nhạc Asia hoặc những đêm cuối tuần tại khiêu vũ trường Ritz của nhạc sĩ Ngọc Chánh, nhưng từ giữa thập niên 90, Thanh Lâm quyết định rút lui ra khỏi thế giới Showbiz để tập trung thì giờ chuyên làm Thánh Nhạc với vai trò là Ca trưởng Ca Đoàn Ngàn Thông của Nhà Thờ Westminster.

 

Xin thành thật chia buồn cùng chị Hoàng (vợ nhạc sĩ Thanh Lâm) cùng cháu gái Hân (11 tuổi). Cầu nguyện linh hồn Thanh Lâm từ nay cận kề bên Nhan Thánh Chúa đời đời.

 

Thế Giới Nghệ Sĩ chân thành cám ơn cô em gái thương yêu Ninh Cát Loan Châu đã gọi báo tin này. Cám ơn em rất nhiều. Vì đang ở Bồ Đào Nha thiếu phương tiện máy móc nên trang Chia Buồn sẽ được thực hiện và gửi lên Facebook vào ngày mai.

Chia sẽ của ca sĩ Loan Châu

Đau lòng khi phải share Cáo Phó này vì tôi cũng như những anh chị em cựu ca viên Ca Đoàn Ngàn Thông đều không muốn tin này là sự thật!

 

Xin mọi người, nhất là quý vị Cộng Đoàn Dân Chúa ở khắp mọi nơi, hiệp ý cầu nguyện cho linh hồn Giuse Đoàn Thanh Lâm, người đã dành trọn cả cuộc đời mình phụng vụ Chúa, được sớm hưởng Nhan Thánh Ngài.

Anh Thanh Lâm không những là một nhạc sĩ Saxophone tài ba, mà anh còn là một nhạc sĩ hòa âm phối khí tuyệt vời. Trong những năm 80-90, anh là người hòa âm cho hầu hết các CD của chị Ngọc Lan do trung tâm Mây Production thực hiện. Các băng đĩa nhạc thời bấy giờ của các trung tâm Asia, Dạ Lan, Diễm Xưa không thể không có sự góp mặt của anh. Thế mà trong cái thời vàng son nhất của sự nghiệp,

anh đã quyết định rời bỏ hẳn ánh đèn sân khấu, rời bỏ hẳn những nhạc tình muôn thuở để chuyên tâm cho một giấc mơ khác, giấc mơ cao cả hơn, đó là dùng tài năng Chúa ban để làm việc cho Ngài: dẫn dắt Ca Đoàn Ngàn Thông (thuộc Cộng Đoàn Westminster) dâng lời ca tiếng hát ca tụng Chúa trong suốt 41 năm qua!

 

Tôi nhớ khi mới bắt đầu đặt chân tới đất Mỹ vào cuối năm 91, khi được cùng gia đình tham dự Đại Lễ Giáng Sinh tại Nhà Thờ Westminster, tôi đã ngây ngất, há hốc miệng thưởng thức từng bài hát Giáng Sinh do Ca Đoàn Ngàn Thông hát dưới sự điều khiển tài tình của Ca Trưởng Thanh Lâm. Thế là tôi đã xin gia nhập Ca Đoàn Ngàn Thông từ đó, và nơi đó cũng là nơi bắt đầu tất cả của cuộc đời tôi!

 

Đối với tôi, anh Thanh Lâm là một Ca Trưởng tuyệt vời! Dưới sự điều khiển của anh, tất cả mọi thứ không thể đều trở nên có thể! Đó là lý do Ca Đoàn Ngàn Thông là Ca Đoàn duy nhất có dàn orchestra trong các Đại Lễ! Tôi rất tự hào đã từng là ca viên của anh!

Mấy hôm trước khi nghe tin bệnh anh tái phát, chemo đã không còn tác dụng, tôi đã xin phép vào thăm anh. Trên giường bệnh trong nhà thương UCI, mặc dù lúc tỉnh lúc mê, anh luôn lo lắng và dặn dò người nhà về các bài hát sẽ soạn cho các Thánh Lễ, về việc tập hát cho ca đoàn, về việc chuẩn bị cho chương trình Thánh Nhạc Giáng sinh Emmanuel (đang bị dang dở vì anh phải vào bệnh viện)... Lúc đó tôi đã thầm tin rằng anh sẽ khỏe và sẽ trở về với gia đình và mọi người! Vậy mà đó là lần cuối tôi gặp anh, vì tối hôm đó, anh đi vào Coma và sau đó đã vĩnh viễn ra đi...

 

Anh đi về Nhà Chúa sớm quá, bỏ lại bao kỷ niệm và thương nhớ, trong đó có người vợ còn rất trẻ và con gái 11 tuổi còn quá thơ dại!

 

Ra đi bình an, anh Lâm nhé! Đối với em, anh luôn là một người anh, một người Ca Trưởng khắt khe, khó tánh, nhưng tài ba và nhiệt tình. Cám ơn cuộc đời đã cho em có một thời gian không ngắn, cùng sát cánh với anh và Ca Đoàn Ngàn Thông của mình góp tiếng hát ca tụng Chúa!

 

Mãi nhớ về anh, Ca Trưởng Thanh Lâm của chúng tôi.


(Loan Châu - ca viên ngày xưa của Ngàn Thông)

Chia sẽ của ca sĩ Huy Vũ

Just got a very sad news... that makes my heart ache and realize that life is actually really short.
Our very beloved ca trưởng ca đoàn Ngàn Thông for the more than 40 years just passed.
All the memories of my time with the church choir suddenly flashed back in front of me.
He devoted all his life for the Church, making numerous gospel CDs and writing so many songs while spending all his time orchestrating beautiful music on a weekly basis for Blessed Sacrament Church goers.
Music wise, I learned so much from him. So much love and respect for his devotion as a person as well as a Ca Trưởng. He taught me private lessons from reading notes to learning how to sing back up for others on his own time without asking for anything in return. On top of that, I met so many great people through my time with the choir of Blessed Sacrament Ngàn Thông. It will forever be my root.


You will be missed anh Lâm! May your soul rest in peace. I am sure heaven has a nice spot reserved for you, brother.

Chia sẽ của ca nhạc sĩ Trần Quảng Nam

Thanh Lâm.
Lâm là người cùng tôi và anh của Lâm (là Thanh Sơn) và Du Miên (nhà báo) lập nhóm nhạc Âu Cơ, có Trịnh Nam Sơn và một số anh em khác, đã một thời trình diễn khắp mọi nơi ở Nam California, lên đến tận bắc Cali!
Lúc đó Lâm còn nhỏ nhưng đã biết viết hòa âm cho ban nhạc và được xem là nhạc sĩ chơi Saxo rất hay, xứng để thay thế cho Trần Vĩnh.
Sau 1980, quả nhiên Lâm là nhạc sĩ phối âm có trọng lượng trong làng nhạc tại Hoa Kỳ.
Thật là vắn số.
R.I.P, Lâm.

Chia sẽ của ca nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn

Khi tôi lang bạt từ Florida giạt vào Cali và ở với nhạc sĩ Trần Quảng Nam, hoạt động âm nhạc trong giới sinh viên của Cal State Long Beach. Căn apartment 1 phòng khách rộng, cái bếp, 2 phòng ngủ 1 phòng tắm của nhạc sĩ sinh viên du học Nam Quang Tran cũng có thể nói là nơi để tụ tập những quái kiệt thuộc lãnh vực văn chương, báo chí, nghệ thuật âm nhạc. Từ ký giả Đông Duy, nhà thơ nhà báo Du Miên, đến họa sĩ Y (sau trở thành giáo sư hội họa trường Cal State Long Beach), đến ca sĩ Thanh Sơn, và nhạc sĩ Thanh Lâm (em trai út của ca sĩ Thanh Sơn).


Tôi biết Thanh Lâm từ nơi này mà ra. Lúc quen biết và làm việc với Thanh Lâm, tôi 20 tuổi, còn Thanh Lâm cũng chỉ mới 16 tuổi, còn học high school. Nhạc sĩ Thanh Lâm đa tài, rất kín đáo, không tranh đua, rất an nhiên tự tại. Nghĩ đến Thanh Lâm, tôi lại liên tưởng đến cuộc sống của người nhạc sĩ của thế kỷ 17-18. Người nhạc sĩ cặm cụi, cống hiến và phục vụ Chúa không ngừng nghỉ trong âm nhạc. Và chỉ sau khi hoàn tất nhiệm vụ của Chúa giao cho trong ngày, Lâm mới sống kiếp sống nhạc sĩ của Đời. Cuộc sống âm nhạc của Lâm cứ thế mà trôi chảy...

Nói đến người có perfect pitch trong âm nhạc thì không hiếm, nhưng Thanh Lâm là người nhạc sĩ có true perfect pitch đầu tiên mà tôi biết; và cho đến bây giờ, tôi cũng chưa được gặp người thứ hai ở ngoài đời. Tôi đã nhiều lần bắt Thanh Lâm phải để tôi thử cái perfect pitch của Lâm mỗi khi gặp nhau, Lâm có thể gọi chính xác tên nốt nhạc mà không cần nghĩ ngợi. Có lần tôi không thử bằng piano, mà thử bằng guitar rồi đẩy dây để nốt nhạc bị lơ lớ (note bending) để coi Lâm có đoán được không. Vậy mà Thanh Lâm vẫn có thể nói ra âm thanh của nốt nằm giữa hai nốt nào. Thử riết rồi đâm chán, từ đó không thử nữa. Có lần, Lâm biết tôi đang học viết cho dàn kèn Big Band, Lâm rủ xuống nhà chơi để cho Lâm vài ý kiến về Big Band vì Lâm đang đào tạo các nhạc sĩ dàn kèn cho Nhà Thờ. Đang ngồi coi Lâm chỉ huy dàn nhạc khoảng 18-19 nhạc công, bất thình lình, có tay nào đó thổi sai một nốt. Lâm vẫn tiếp tục cho ban nhạc đánh xong bản nhạc, rồi cười cười hỏi tôi, có biết tay nào thổi sai nốt không? Tôi chỉ có thể chỉ vào nhóm trombone, nhưng không biết là tay nào. Lâm cười chiến thắng, chỉ tay vào người nhạc sĩ trombone thổi sai nốt, rồi nói luôn tên nốt sai mà tay đó đã thổi. Thế là cả bọn cười.

Có thời gian (trước khi tôi vào trường học nhạc) tôi đánh với một ban nhạc Hoa ở khu Chợ Tàu trên Los. Ban tổ chức lần đầu mời các ca sĩ nổi tiếng bên Đài Loan và Hồng Kông qua biểu diễn. Ban nhạc gà mờ chúng tôi chỉ có Guitar (tôi), Bass, tay trống tên Sam Ma, và tôi gọi Lâm giúp thêm về keyboard cho chắc ăn. Ca sĩ bên Hồng Kông và Đài Loan đi hát đều mang theo partitions viết tay cho nhạc công, rất chuyên nghiệp. Họ đưa bài ra, và chúng tôi guitar, bass, trống đều ú ớ... chỉ nhìn hợp âm và dựa theo nhịp tay họ vỗ mà đánh, chứ đuổi theo nốt trên bài thì thua vì bắt không kịp. Nốt nó chạy lẹ quá, còn phần bài viết cho kèn Trumpet và Alto Sax thì tông đã đổi các khóa riêng cho kèn nên ba anh em chúng tôi lại càng mù. Tay trống rớt nhịp không ngừng vì run. Có người bạn “lạ” đứng coi thấy tội nghiệp quá, anh ta nói tay trống để anh ấy vào thử. Tôi không biết anh này là ai (đến khi tập dượt xong mới biết đây là tay trống cừ khôi nổi tiếng, người Việt gốc Hoa, tên Văn có biệt hiệu là Beatle hoặc Beetle). Cũng trong lúc này, Thanh Lâm lẳng lặng lấy kèn Saxo ra, rồi lấy phần partitions cho kèn Trumpet, phần kèn Alto Sax, lấy luôn phần kèn Tenor, trải ra trước mặt, lướt qua một lượt, rồi nói "sẵn sàng." Tay trống tên Văn Beatle cũng chỉnh lại bộ trống, lướt qua partition rồi nói "sẵn sàng." Báo trống, vào bài... Bộ trống 4 miếng cùi bắp cho ra âm thanh nảy lên chắc như bắp, và tiếng kick drum đập vào tim tưởng như có amplifier... thình thịch..., và tiếng kèn của Thanh Lâm trổi lên, cũng tròn trịa và chắc nịch dính chặt với nhịp trống không rời... Chỉ có hai tay này thôi mà nghe rồi mới thấm câu người Mỹ hay nói, “it sounds so musical” Chỉ vài khuôn intro đầu hay đến nỗi ca sĩ lo trợn mắt nhìn Thanh Lâm và tay trống tên Văn một cách khiếp đảm và ngưỡng mộ đến... quên cả hát. Bình thường thì nhạc sĩ cứ xin lỗi ca sĩ rối rít vì rớt nhịp. Nhưng lần này thì ca sĩ luôn miệng xin lỗi nhạc sĩ vì nghe hay quá nên quên hát. Tay trống gõ chỗ nào nghe cũng ra “nhạc” và ròn rã nhịp, kèn của Thanh Lâm thì chỗ nào dàn

kèn, Lâm chạy qua phần Trumpet để thổi top note, chỗ nào cần êm và tình, hợp tai thì chạy về Alto hoặc Tenor. Còn phần giang tấu solo thì mượt mà trở lại với Alto. Trong một bài, dùng Alto Sax để thổi phần Trumpet đã đổi khóa nhạc, và Tenor Sax ở một khóa khác, ngay tại chỗ, không ngập ngừng vấp váp, là cả một việc làm khó tưởng tượng trong mắt tôi lúc bấy giờ.

Ba anh em nhạc sĩ tay mơ nở mày nở mặt và cảm thấy rất an ủi. Ca sĩ sau giờ tập dượt, đi ăn chung, không ngớt lời khen ngợi Thanh Lâm và tay trống. Ba anh nhạc công còn lại cũng yên tâm với bầu show vì sẽ giữ được job lâu dài hơn. Từ đó, các show với ca sĩ người Hoa, tôi không thể không réo Thanh Lâm. Với Thanh Lâm, kỷ niệm rất đẹp và rất khác lạ vì có những trải nghiệm trong những tình huống rất đặc biệt.

 

R.I.P, bạn hiền Thanh Lâm.

Chia sẽ của guitarist Trung Nghĩa

(trên video clip của VNA TV 57.3)

Tôi và Thanh Lâm có quá nhiều kỷ niệm. Lâm là một người em rất đa tài và hiền hòa. Khi các nhạc sĩ báo tin Thanh Lâm đang hấp hối, tôi hoảng hồn; và khi nghe tin Thanh Lâm ra đi, tôi rất buồn.

 

Lâm là người em dễ thương vô cùng, một nhạc sĩ tài hoa, những bẵng đi gần hai chục năm nay, Lâm không sinh hoạt ở chốn văn nghệ nữa, mà rút vào làm việc phụng sự Chúa. Tôi nhớ khoảng năm 1989-1990, Thanh Lâm và tôi có thu nhạc nhiều cho Trung Tâm Asia. Thanh Lâm là một nhạc sĩ hòa âm rất tài năng, đã hòa âm thành công cho những bài hát để Ngọc Lan trình bày. Đối với tôi, Lâm là một người em quá dễ thương trong nghệ thuật, luôn điềm đạm, bình tĩnh, lúc nào cũng nói năng nhỏ nhẹ, chưa bao giờ tôi nghe Lâm lớn
tiếng với ai.

 

Khi Thanh Lâm bước vào nhạc đạo, không chơi nhạc đời nữa, tôi hết hồn, vì nghĩ đáng lẽ Lâm đang thành công thì cứ tiếp tục, nhưng Lâm rút vào bóng tối rồi, thật uổng. Khi thu âm với nhau, anh em làm việc vui vẻ. Lâm quá giỏi nhạc lý, đọc nhạc rất nhanh. Tiếng kèn Saxo quá ngọt lịm, khó kiếm được người thứ hai như vậy. Rất buồn, phải nói là khó tìm người thay thế. Đang lẽ Thanh Lâm phải cống hiến cho đời nhiều tác phẩm nữa, nhưng Lâm lại bỏ tất cả để đi làm việc Chúa.

Chia sẽ của nghệ sĩ Hoài Phương

(thứ sáu, 4 tháng 10, 2019)

Hoài Phương chưa một lần gặp nghệ sỹ Thanh Lâm, nhưng luôn cảm thấy rất quý mến anh. Có lẽ giữa mình và anh có nhiều điểm chung nên mình có cảm giác này. Cả anh và mình đều chơi saxophone, clarinet, hoà âm phối khí, chỉ huy dàn nhạc. Từ khi còn nhỏ, Phương đã mê tiếng kèn saxophone đầy cảm xúc trong giai điệu sâu thẳm của ca khúc Biển Nhớ, nhưng không biết tên người nghệ sỹ. Mãi sau này mới biết đó chính là nghệ sỹ Thanh Lâm. Đối với khán giả Việt Nam, tiếng kèn này là một chuẩn mực cho tất cả các tay saxophone Việt. Còn đối với bản thân Hoài Phương thì đây là một người thầy chưa từng gặp mặt, vì những ảnh hưởng của anh trong tiếng kèn của mình. Khi Hoài Phương bắt đầu tham gia sinh hoạt âm nhạc trong cộng đồng người Việt tại Mỹ thì nhạc sỹ Thanh Lâm đã rút lui khỏi sân khấu âm nhạc đại chúng mà chuyên tâm vào làm ca trưởng cho ca đoàn Ngàn Thông để phụng sự Chúa.

 

Hôm nay là lần đầu tiên Phương được gặp mặt anh, cũng là lần cuối cùng nói lời từ biệt. Xin chia tay bậc tiền bối, người thầy, người nghệ sỹ đã dành cả cuộc đời mình cống hiến cho âm nhạc.

P.S. Năm 2019 là một năm làng saxophone Việt đã mất đi 3 nghệ sỹ. Mấy tháng trước là nghệ sỹ, giảng viên Phan Anh Dũng. Mới hôm qua đây thôi là đám tang của nghệ sỹ Xuân Hiếu. Và ngày mai là ngày đưa nghệ sỹ Thanh Lâm về chốn vĩnh hằng.

 

Xin cảm ơn di sản văn hóa các anh đã để lại cho nền âm nhạc Việt Nam.

Thêm chia sẽ của nghệ sĩ Hoài Phương

Tạm biệt nghệ sĩ đa tài saxophonist, clarinetist THANH LÂM. Tiếng kèn của anh đã gắn liền với khán giả Việt Nam từ bao năm nay. Bản thân Hoài Phương cũng đã nghe những giai điệu Việt qua tiếng saxophone hoặc clarinet của anh từ khi bắt đầu chập chững chơi kèn. Không những là một nghệ sĩ kèn giỏi, anh còn là một nhạc sĩ hoà âm, phối khí và chỉ huy ca đoàn xuất sắc. Tuy chưa có lần nào được gặp anh, Hoài Phương luôn kính nể và trân trọng tài năng âm nhạc của bậc tiền bối.

 

Cầu chúc linh hồn anh được yên nghỉ ngàn thu. Xin thành kính chia buồn cùng gia quyến!

 

Mời quý vị thưởng thức tiếng kèn ngọt ngào của nghệ sĩ Thanh Lâm qua link dưới đây:

Tiếng Saxophone tuyệt vời và tiếng hát Ngọc Lan

Nhạc sĩ Thanh Lâm là người đứng sau những bản thu âm thành công rực rỡ của cố ca sĩ Ngọc Lan hồi 30 năm trước.

Chia sẽ của ca sĩ Ninh Cát Loan Châu

Khán giả yêu nhạc hải ngoại vào thập niên 1980 chắc hẳn còn nhớ tiếng saxophone của nghệ sĩ Thanh Lâm trong các CD nhạc do Trung Tâm Asia sản xuất. Vào thập niên 1980-1990, nhạc sĩ Thanh Lâm đã giữ vai trò hòa âm và điều khiển ban nhạc cho những cuốn băng của ca sĩ Ngọc Lan, từ “Ngọc Lan 2 – Người Yêu Dấu,” liên tục cho đến “Ngọc Lan 10 – Hạnh Phúc Nơi Nào,” và cả CD “Ngọc Lan & Kiều Nga – Paris Vẫn Đợi” hay “Liên Khúc Hè Muộn,” khi nhìn vào phần hòa âm và điều khiển ban nhạc in trong bìa băng nhạc, ta đều thấy tên của Thanh Lâm.

 

Thật ra Thanh Lâm đã làm nhạc nền cho Ngọc Lan hát ngay từ lúc cô bắt đầu thâu âm vào đầu năm 1983. Nhưng khi cộng tác với vũ trường Ritz, cô mới có dịp làm việc trực tiếp với Thanh Lâm, lúc ấy đang phụ trách phần thổi saxophone trong ban nhạc Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh. Sau cuốn “Ngọc Lan 1 – Tiếng Hát Ngọc Lan,” thực hiện với trung tâm Đời, Ngọc Lan và Thanh Lâm đã thật sự sát cánh làm việc bên nhau để cho ra đời những dĩa nhạc thành công nhất.

Thanh Lâm tốt nghiệp cao học âm nhạc. Ngoài khả năng soạn và hòa âm, ông còn được biết đến vì tài thổi saxophone (Thanh Lâm – Saxo Tuyệt Vời 1, 2, 3 của Trung Tâm Asia sản xuất và phát hành). Nhưng có lẽ Thanh Lâm tạo được nhiều uy tín nhất trong lãnh vực Thánh Nhạc. 

 

Tuy trưởng thành và được đào tạo về âm nhạc tại Mỹ, Thanh Lâm lại chọn cho mình lối viết nhạc rất Việt Nam. Mục đích hòa âm của ông trước sau vẫn là dùng nhạc để làm nổi bật tình ý trong bài hát. Trong các bản thu âm của ca sĩ Ngọc Lan do Thanh Lâm hòa âm, bells và những âm thanh của synthesizer làm ta liên tưởng đến những giọt mưa “rơi mãi trên phím đàn.”

 

Trong Chiều Một Mình Qua Phố, ta như tìm thấy ở nhạc Trịnh Công Sơn thêm một khía cạnh mới. Tiếng kèn rộn rã mở đầu đã giúp ta thoát khỏi nỗi buồn sâu thẳm của kẻ độc hành trong buổi hoàng hôn tím thẫm. Thay vào đó là hình ảnh một người con gái, mà những đường phố cô đi qua chỉ đủ gợi những nhớ thương dịu dàng và xinh đẹp.

 

Hạ Trắng cũng thế; cách sử dụng nhiều nhạc cụ một cách khéo léo đã tạo thêm sinh động cho bài hát. Lời nhạc từ đó cũng thêm màu sắc.

 

Nhưng có lẽ bài hát cho thấy sự ảnh hưởng rõ rệt của Thanh Lâm trong cách hòa âm chính là bài Je Noublierais Jamais. Rất ít người để ý Ngọc Lan đã thâu bài này năm 1989 với tựa đề Nhớ Anh Mà Thôi.
………………….
………………….
Thanh Lâm đã điều khiển ban nhạc rất nhiều lần cho Ngọc Lan hát. Nhưng điều mà ông không hề ngờ lần duy nhất ông điều khiển ca đoàn Ngàn Thông hát cho Ngọc Lan cũng là lần vĩnh biệt. Dù sao đi nữa, ông vẫn là người bạn đồng hành đã đi cùng với Ngọc Lan suốt đoạn đường dài sự nghiệp, dù chỉ bằng những bước chân vô cùng thầm lặng và khiêm tốn. Nhạc sĩ Thanh Lâm đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 8g45 tối thứ Hai 23 tháng 9-2019, tại bệnh viện UCI, sau một thời gian chống trả với căn bệnh ung thư phổi, hưởng dương 58 tuổi.

 

nhacxua.vn biên soạn
Nguồn: ilovengoclan.com

bottom of page