top of page
Thanh Lâm
Một chút về Anh
Đoàn Thanh Lâm được sinh ra ở Tân Sa Châu, Tân Bình, Gia Định. Học trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn được ba năm thì đất nước gặp nạn tai, phải cùng gia đình vượt biên. Sang Mỹ, tiếp tục học nhạc, tốt nghiệp ở Đại học Cal State Fullerton, đặc biệt về Conducting. Khả năng khá vững chắc trong cách hòa âm và điều khiển dàn nhạc khiến Linh Mục Nhạc Sư Ngô Duy Linh đã rất ngạc nhiên và khen ngợi. Năm 1978-1979, khi bắt đầu hình thành cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại giáo xứ Blessed Sacrament (Westminster - California), Anh giữ trách vụ là ca trưởng của ca đoàn Ngàn Thông; và Anh đã phục vụ trong lãnh vực này cho đến hơi thở cuối cùng.
Đã mang cái nghiệp cầm ca,
Để chúc tụng Chúa, cũng là điều hay.
Sách nhạc nghiên cứu đêm ngày,
Hòa âm, luyện giọng, đổi thay môn hoài.
Người nghe cũng thấy êm tai,
Lâng lâng cảm xúc, sửa sai tâm hồn.
Một lòng thờ Chúa chí tôn,
Hát ca linh nghiệm tốt hơn nguyện cầu.
Van xin Đức Mẹ nhiệm màu,
Cho đoàn con cái sống lâu an hòa.
Phát triển nền nhạc Thánh Ca,
Vinh danh Thiên Chúa thiết tha tâm hồn...
(trích Gia Phả do thân phụ là Ông Đoàn Huy Hào Vĩnh viết)
** Hồi nhỏ, lúc khoảng 8-9 tuổi, chú bé Thanh Lâm được Chúa ban cho một giọng hát ngọt lịm bổng cao, hơi dài và "rung" như ca sĩ. Thanh Sơn, người anh cả, thường dẫn Lâm vào trường học của Anh để ca hát trong các buổi văn nghệ. Các bạn của Anh Sơn còn "xin mượn" Lâm, đưa vào các trường học của họ để hát biểu diễn. Bài hát được mọi người ưa thích và yêu cầu Lâm hát nhiều nhất là bài Đêm Đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương (chiều chưa đi màn đêm buông xuống, đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông, đôi cánh chim bâng khuâng rã rời, cùng mây xám về ngang lưng trời...) Lâm có thể kéo dài một hơi, ngân và "rung" rất lâu ở chữ "xuống, chuông, rời, trời..." Khán thính giả nín thở theo cung điệu bổng vút của chú bé oắt tì chỉ đứng cao tới ngực Anh Sơn, người đệm guitar; và rồi mọi người vỗ tay không dứt...
Được Cha Mẹ sắm cho bộ sơ-mi trắng và chiếc nơ đen thắt nơi cổ áo, Lâm có vẻ sẽ tiếp tục đi hát đều đều. Nhưng ca hát chỉ là phụ thuộc, chỉ là "văn nghệ chơi chơi," Lâm tỏ ý thích thổi kèn như Cha (Ông Hào Vĩnh), rồi dần dần được hướng dẫn thổi Saxophone, Clarinet, và tham gia Hội Kèn Tây của Giáo Xứ; mỗi tối đều tập kèn với Cha, Chú và các Anh trong Hội. Thấy Lâm có khiếu về âm nhạc, Ông Hào Vĩnh ráng lo liệu cho Lâm đi học nhạc ở trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn. Khi Sài Gòn đổi chủ, Lâm vẫn được mời đi hát trong các buổi văn nghệ tổ chức tại phường khóm, nhưng Lâm tránh né, chỉ tập trung vào sở thích thổi kèn. Khi rời Việt Nam, tạm sống tại Thái Lan gần một năm, Lâm có thời gian nghe lại những dòng nhạc Việt Nam để nghiền ngẫm những nét phong phú độc đáo của từng loại nhạc khí, nhờ đó, Lâm lại có thêm sở thích về hòa âm và phối khí. Sang Hoa Kỳ, Lâm tham gia vào các ban nhạc của trường trung học và tiếp tục học nhạc chuyên sâu hơn nữa khi vào đại học.
** Đoạn trên, đoạn về "Lâm-nhóc-tì-ca-sĩ" hình như ít ai biết. Thân phụ của Anh Lâm là Ông Hào Vĩnh thì biết, nhưng đã quên không ghi lại!
Người ta gọi Anh Thanh Lâm là nhạc sĩ - nhạc trưởng - ca trưởng, nhưng chắc không nghĩ ra rằng Anh có được ngần ấy "danh xưng" là nhờ Anh có được hai buồng phổi tốt. Nhạc sĩ thổi kèn dùng đến phổi. Nhạc trưởng điều khiển dàn nhạc và ca trưởng tập hát cho ca đoàn cũng dùng đến phổi, vì phải nói năng, dặn dò nhiều... Hai lá phổi thật quan trọng và quý báu đối với Anh Lâm, nên Anh đã quyết liệt phấn đấu để bảo vệ và duy trì chúng, kể từ thứ Tư Lễ Tro, 5 tháng 3 năm 2014, là ngày bác sĩ tuyên bố phổi của Anh không còn tốt mấy vì mang dấu chứng của một căn bệnh trầm kha.
Tuy vậy, từ ấy đến nay, gần 6 năm, Anh không bỏ cuộc, vẫn đều đặn đến Nhà Thờ, đều đặn tập hát, hướng dẫn ca đoàn và dàn nhạc. Lòng thiết tha phục vụ khiến Anh hầu như không để . đến lá phổi đang ngày một yếu dần đi. Dù mỏng manh, còm cõi, Anh cố gắng tài bồi cho dàn Orchestra "trẻ", huấn luyện các pianists về kỹ năng đệm đàn cho ca đoàn, hướng dẫn ca viên hát đúng cách và có tâm hồn, uốn nắn trau giồi các giọng hát solo và cantor... Trút cạn trí óc lẫn máu huyết vào công việc, Anh còn hoàn thành them Tuyển tập Thánh Vịnh Đáp Ca (2017) và cuốn CD Saxophone 4, Nghĩa Mẹ Tình Cha - Bao La Biển Trời (2019).
Tháng 4 năm 2019, cảm thấy như mình chỉ còn thở được từ một ngăn phổi nhỏ nhoi, Anh Lâm vẫn nhiệt thành đón nhận trọng trách đóng góp phần vụ trong Đại Hội Thánh Mẫu La Vang (Las Vegas) tháng 10 và trong buổi hòa nhạc Giáng Sinh tháng 12 của cộng đồng Công Giáo Orange. Vào nhà thương ngày 5 tháng 9, phổi ngập nước nhiều hơn cùng các biến chứng khác, Anh phấn đấu liên tục để mong giành được sự sống. Mơ màng trên giường bệnh, Anh thấy mình đi họp với các Cha, các ca đoàn; nụ cười hạnh phúc nở trên môi; trong ánh sáng mờ của bóng điện đêm, nụ cười thoát lên nét hồn nhiên thật đẹp như một em bé...
17 ngày trong bệnh viện, các bác sĩ liên tục tìm cách "cứu phổi" cho Anh. Nhưng từ 9 giờ sáng thứ Năm ngày 19 tháng 9 năm 2019, bác sĩ thông báo từng đợt rằng không còn cách nào nữa. Thật ngạc nhiên, nét mặt Anh bình thản, chấp nhận hoạch định mới của Chúa!
Anh đã ấp ủ hoài bão, lòng đầy ước vọng và hy vọng, nhưng Thiên Chúa lại có một chương trình khác cho Anh. Gia đình và bạn bè đau xót nhìn buồng phổi của Anh phập phồng lên xuống cách khó khăn. Nhưng Anh bình an, dáng thảnh thơi, chẳng mệt nhọc, muộn phiền. Đã chiến đấu hết sức nhưng không giành được phần thắng thì buông tay, đón nhận Thánh Chúa. Chúa muốn Anh được thực sự nghỉ ngơi sau 58 năm sống ở trần gian và 41 năm tận tụy với những công việc Chúa trao.
8 giờ 45 phút tối thứ Hai 23 tháng 9 năm 2019, Anh Đoàn Thanh Lâm trút ra một làn hơi nhẹ cuối cùng từ ngăn phổi nhỏ nhoi tàn tạ, thực sự khép lại tiếng nói tiếng kèn tại trần gian để tiến về vùng đất mới có "lá hoa không tàn úa, có dư đầy lúa thơm và trái ngon hoa ngọt" bổ sức và nuôi dưỡng Anh.
"Con nay trở về, trở về cùng Chúa, Chúa ơi...," Giuse Đoàn Thanh Lâm đã hát bài này vào CD năm đó, hôm nay Anh đang hát lại lần nữa để hồn bay cao, thong dong trở về với Chúa...
- bài viết được trích trong "TƯỞNG NHỚ Anh Giuse Đoàn Thanh Lâm (1961-2019)"
bottom of page